10/13/2021 8:03:19 AM
Đó là tinh thần chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang đối với việc mở cửa, phục hồi nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kết nối cung - cầu, giao thương hàng hóa, dịch vụ để thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra. Từ an toàn dịch bệnh đến công tác an sinh xã hội phải được đảm bảo…
Doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Bình Long tổ chức sản xuất trở lại
Từ an toàn dịch bệnh
Mở cửa để khôi phục các hoạt động kinh tế, trong đó có tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh khôi phục xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, du lịch, khơi thông mọi nguồn lực xã hội, đẩy mạnh đầu tư công… là tín hiệu vui, một động thái tích cực cho thấy cả nước nói chung và An Giang nói riêng đang nhanh chóng thích ứng với tình hình dịch bệnh. Mở cửa nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, trong đó an toàn dịch bệnh, an sinh xã hội, an ninh trật tự phải được đảm bảo để góp phần an dân. Đây là những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia thực hiện.
Ngay khi chuẩn bị cho các nhà máy, công trường, doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trong tỉnh khôi phục lại các hoạt động sản xuất, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 572/KH-UBND, ngày 27-9-2021 về đảm bảo sản xuất ổn định trong tình hình dịch COVID-19. Đây là kế hoạch mang tính “bước ngoặt” sau một thời gian nền kinh tế “ngủ đông”, xuất khẩu bị đình trệ, lao động không việc làm, nền kinh tế gặp khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam và trên thế giới, việc thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa các hoạt động kinh tế trong thời gian dài trên diện rộng là không còn phù hợp, bởi chúng ta không thể khống chế dịch bệnh một cách tuyệt đối. Do vậy, cần phải thích ứng, có cách tiếp cận mới, phù hợp và linh hoạt hơn để đảm bảo giữ vững 3 trụ cột: Kinh tế, y tế, chính trị - xã hội. Trong đó, kinh tế là cơ sở, nền tảng; y tế là trụ cột, trọng tâm, là yếu tố quyết định; ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên.
Xuất phát từ nhận thức đó, sáng 11-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, UBND tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến cho kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19. Cuộc họp đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, các DN và lãnh đạo 11 huyện, thị xã, thành phố.
Đến an sinh xã hội
Tại cuộc họp, nhiều DN đã bày tỏ sự đồng thuận trong việc mở cửa, phục hồi các hoạt động kinh tế của tỉnh. Đẩy mạnh khôi phục sản xuất, thu hút lao động để góp phần cùng tỉnh thực hiện an sinh xã hội. “Thấy bà con về quê, tôi cảm thấy rất lo lắng cho công tác an sinh xã hội. Trước thực tế này, để chia sẻ gánh nặng với địa phương, Tập đoàn Nam Việt quyết định thu tuyển từ 2.000-3.000 lao động vào làm việc tại các nhà máy. Tôi kêu gọi các DN trong tỉnh, cùng với Nam Việt đẩy mạnh thu tuyển lực lượng lao động từ TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai… trở về để góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội với tỉnh” - Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới kêu gọi.
Theo ông Doãn Tới, chủ trương mở cửa, phục hồi các hoạt động kinh tế của tỉnh đã giải quyết được áp lực rất lớn cho DN. Tập đoàn Nam Việt phải tổ chức sản xuất trở lại để đáp ứng đơn hàng trên 20.000 tấn cá tra mà các nhà nhập khẩu trên thế giới đặt hàng. Để sản xuất trở lại bình thường, DN rất cần sự chung tay, hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Hiện nay, lao động từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trở về quê rất đông, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác an toàn dịch bệnh, an sinh xã hội, an ninh trật tự. Các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực rất lớn để thực hiện công tác an sinh xã hội. Công tác này có sự đồng hành của nhiều tổ chức tôn giáo, nhà hảo tâm. Trong đó, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) đã có những việc làm thiết thực, góp phần chăm lo đời sống nhân dân. Trưởng ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH Nguyễn Tấn Đạt cho biết, tính đến thời điểm này, toàn đạo đã đóng góp trên 60 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội. Từ tổ chức nấu cơm phục vụ lực lượng tuyến đầu đến việc tặng gạo, rau, củ, quả cho các gia đình thực hiện cách ly tại nhà, khu cách ly tập trung…
Thực hiện tinh thần “học Phật, tu nhân”, tín đồ PGHH trong tỉnh đã cùng với hệ thống chính trị tại các địa phương, tích cực tham gia chống dịch. “Từ khi bùng phát dịch, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội PGHH đã kêu gọi toàn thể tín đồ cùng chung tay, góp sức với Đảng, nhà nước để chống lại dịch bệnh theo phương châm “tùy tài, tùy sức, nỗ lực hy sinh…”. Ai có tiền thì ủng hộ tiền, không có tiền thì đóng góp công sức nhưng phải đoàn kết và tuân thủ mọi hướng dẫn của cơ quan chức năng, tổ chức khoanh vùng, dập dịch. Đến nay, dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát, tỉnh đang mở cửa, khôi phục các hoạt động kinh tế. Đây là một tín hiệu rất vui cho toàn thể đồng đạo và nhân dân trong tỉnh” - ông Nguyễn Tấn Đạt vui mừng.
Mở cửa, khôi phục các hoạt động kinh tế, đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường mới là tín hiệu vui sau thời gian nỗ lực chống dịch, hướng tới xây dựng cuộc sống bình thường mới.
MINH HIỂN